TỔ NGOẠI NGỮ - TRƯỜNG THPT ĐỐNG ĐA
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG – ĐÓN ĐẦU TƯƠNG LAI
Những ngày đầu thành lập, Tổ tiếng Nga (tiền thân của tổ Ngoại ngữ sau này) gặp rất nhiều những thách thức, khó khăn như ảnh hưởng của chiến tranh, thiếu thầy, thiếu trò, thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu thốn về cơ sở vật chất ... Tuy nhiên các thầy cô với tinh thần yêu nước, tâm huyết với sự nghiệp trồng người, bằng sự quyết tâm đã vượt qua những thách thức, khó khăn để cho đời những thế hệ học trò có ích cho xã hội, góp phần xây dựng và phát triển Đất nước.
Từ năm học 1993-1994, trường THPT Đống Đa và THPT Trưng Vương được sáp nhập thành trường THPT Đống Đa ngày nay. Cùng với sự hợp nhất của nhà trưởng, Tổ ngoại ngữ cũng bước sang một giai đoạn mới với sự phát triển về nguồn lực, phát triển về chuyên môn song hành với sự phát triển của nhà trường và đất nước.
Ngay trong những năm đầu sáp nhập, Ban Giám hiệu nhà trường và Tổ Ngoại ngữ do cô ………… làm tổ trưởng, đã xác định rõ vai trò vô cùng lớn của bộ môn ngoại ngữ trong việc phát triển của học sinh nói riêng và của xã hội nói chung. Đất nước đang mở cửa, kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ, việc trao đổi thông tin, giao lưu giữa các nền văn hóa và giao thương giữa các nền kinh tế sẽ không chỉ trong nội địa hay một khu vực mà còn trên toàn thế giới. Vì vậy ngay từ giai đoạn này Nhà trường, Tổ ngoại ngữ và các thầy cô đã không ngừng tìm tòi, phát triển chuyên môn nhằm mang lại những phương pháp giảng dạy và học tập mới nhằm giúp học sinh có thể học tốt môn ngoại ngữ.
Phát huy truyền thống của Tổ, với sự động viên và hỗ trợ của Nhà trường, hiện tại Tổ ngoại ngữ do cô Nguyễn Thu Thủy làm tổ trưởng đã xây dựng được đội ngũ vững mạnh với 11 giáo viên, trong đó có 1 cô giáo đang làm nghiên cứu sinh, 7 thạc sỹ và 3 cử nhân. Tất cả các giáo viên đều có nghiệp vụ sư phạm vững, có thể sử dụng được tối thiểu 02 ngoại ngữ trong đó 100% giáo viên của đạt cấp độ C1 theo khung tham chiếu châu Âu (đạt chuẩn theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020) và đều có trên 10 năm kinh nghiệm giảng dạy. Ngoài ra các thầy cô của tổ đều có kiến thức khá tốt về tin học, biết sử dụng máy tính, mạng internet hoặc những giáo cụ trực quan phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu. Với tinh thần đoàn kết, luôn hỗ trao đổi và trợ lẫn nhau, Tổ ngoại ngữ đã có những kết quả rất đáng ghi nhận:
Trong thời đại mới, với việc toàn cầu hóa và những thay đổi mang tính đột phá về công nghệ, việc giảng dạy và học tập ngoại ngữ phải có nhiều thay đổi để đáp ứng nhu cầu mới. Việc sử dụng ngoại ngữ không chỉ phục vụ cho việc giao tiếp, giao thương mà còn là để tiếp thu và phát triển tri thức, hướng tới toàn cầu hóa, trở thành những công dân toàn cầu..., học sinh và thầy cô cũng có nhiều thách thức mới lớn hơn trong công tác học tập và giảng dạy. Nắm bắt được xu thế, Ban giám hiệu nhà trường đã có những chỉ đạo đúng đắn, luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện để các thầy cô học tập và phát triển, thêm những kiến thức và những trải nghiệm mới trong công tác giảng dạy.
Để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, các thầy cô trong Tổ luôn hoàn thiện mình và tích cực tham gia các hoạt động dành cho giáo viên. Đầu tiên phải kể đến là hàng năm, tổ đều có giáo viên dự các lớp tập huấn, thội thảo, học tập do Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội tổ chức, sau đó các nội dung đều được chia sẻ lại cho giáo viên trong tổ. Bên cạnh đó giáo viên cũng được nhà trường cử đi giao lưu, trao đổi với các trường ở nước ngoài như: Canada, Anh, Đức, Thụy Sỹ, Nhật, Singapore... Bên cạnh việc nghiên cứu, viết sáng kiến kinh nghiệm thì trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm giữa các thầy cô cũng được diễn ra thường xuyên trong tổ.
Các hoạt động đối với học sinh thực sự là điểm nổi bật của nhà trường cũng như của tổ trong thời gian những năm trở lại đây, các em thường xuyên được trải nghiệm những hoạt động không chỉ nâng cao về ngoại ngữ mà còn bổ sung các kỹ năng mềm hướng tới những gì xã hội trong tương lai. Từ năm học 2017-2018, các em học sinh Trường THPT Đống Đa cũng được học tập thêm một ngoại ngữ mới là tiếng Nhật. Bên cạnh đó hằng năm Nhà trường đều kết hợp với phụ huynh học sinh tổ chức cho các em tham gia các chương trình trại hè quốc tế tại Anh, Đức, Úc, Canada, Singaporere... qua đó các em không chỉ nâng cao kiến thức ngoại ngữ mà còn hiểu biết thêm các nên văn hóa, bổ sung kỹ năng mềm hướng tới trở thành một công dân toàn cầu. Ngay tại trường, các em học sinh cũng tổ chức những Câu lạc bộ tiếng Anh, tiếng Nhật,... qua các hoạt động này các em có thêm kỹ năng mềm, sự tự tin và thêm động lực, tình yêu với môn ngoại ngữ.
Cùng với hành trình phát triển của Trường THPT Đống Đa, Tổ ngoại ngữ luôn giữ vững truyền thống, luôn học tập những điều mới mẻ, đón đầu những xu thế của giáo dục, tiếp tục phấn đấu gặt hái những thành công mới, cùng với Nhà trường để góp phần vào sự nghiệp trồng người và xây dựng đất nước.
TRUYỀN THỐNG TỔ XÃ HỘI – TRƯỜNG THPT ĐỐNG ĐA
Trường THPT Đống Đa thành lập năm 1960, tiền thân là trường cấp 3 Đống Đa và trường cấp 3 Trưng Vương A. Buổi đầu với muôn vàn thách thức, cơ sở vât chất còn thiếu thốn nhưng với lòng yêu nghề, tinh thần quyết tâm cao đã giúp thầy cô hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Lúc đó, kinh tế đất nước còn rất nhiều khó khắn, các thầy cô giáo sau mỗi buổi dạy còn làm thêm để đảm bảo cuộc sống. Khó khăn vất vả là vậy, các thầy cô vẫn luôn tâm huyết với nghề và là những người lái đò tận tụy ngày đêm thực hiện sứ mệnh cao cả mà mình đã chọn.
Đầu năm học 1992-1993, trước đòi hỏi thực tiễn của xã hội, Tổ Sử - Địa – GDCD được thành lập với người dẫn dắt đầu tiên là cô Mai Xuân Thủy. Nhận thức được vai trò của mình, mỗi thầy cô trong tổ đều tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” không ngừng phấn đấu vươn lên tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, mọi hoạt đông của tổ có sự chuyển biến tích cực .
Kế thừa truyền thống đó, trải qua quá trình phát triển của Tổ, cô Bùi Mai Thanh và thầy Phạm Văn Hồng đã giành hết tâm huyết để xây dựng Tổ lớn mạnh như ngày hôm nay. Theo thời gian, cùng với sự trưởng thành của ngôi trường 60 năm tuổi, chất lượng dạy học của các thầy cô giáo của Tổ ngày càng đi lên. Hiện nay, Tổ có 13 thầy cô với 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ, 10 cử nhân. Có 4 đồng chí là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Thành tích đáng ghi nhận là Tổ có 3 thầy cô là Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Các thầy cô nhiệt tình, năng động, sáng tạo, lấy hiệu quả công tác làm mục tiêu phấn đấu, không ngừng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu đổi mới của sự nghiệp giáo dục.
Đươc sự quan tâm của cấp Ủy, Ban giám hiệu nhà trường, tổ Xã hội tiếp tục đổi mới sáng tạo, đổi mới công tác giảng dạy trong việc dẫn dắt, ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi cấp thành phố và quốc gia. Kết quả đạt được từ năm 2007 đến nay:
Em: Trần Trung Nghĩa - Giải nhì môn Địa HSG thành phố năm học 2007-2008
Em: Nguyễn Minh Châu - Giải ba môn Địa HSG thành phố năm học 2009-2010
Em: Nguyễn Mỹ Linh - Giải Nhì môn Sử HSG thành phố năm học 2013-2014
Em: Phan Chung Anh - Giải Nhì môn Sử HSG thành phố, giải KK HSG Quốc gia năm học 2018 - 2019.
Trải qua hơn nửa thế kỉ từ khi thành lập nhà trường dù ở giai đoạn lịch sử nào, dù thuận lợi hay khó khăn, tổ Xã hội không ngừng phát huy truyền thống, thành tích đã đạt được và trở thành tổ xung kích trong công tác giảng dạy và thi đua của nhà trường. Kế tục sự nghiệp và tâm huyết của các thế hệ đi trước, đội ngũ nhà giáo hôm nay đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành trọng trách “người thầy” trong thời đại mới.
Trong những năm gần đây, nhiều thầy cô giáo đã được Sở giáo dục đào tạo Hà Nội tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở: Thầy Phạm Văn Hồng, Cô Trịnh Thị Thu Huyền, Cô Nguyễn Thị Thúy Nga, Cô Nguyễn Thị Phương Anh, Cô Tống Thị Thoa, Cô Doãn Thị Thanh Nhàn. Nhiều thầy cô tham gia và đạt giải trong các kì thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố như cô Đỗ Thu Hằng đạt giải Nhì môn Địa (2008), Cô Doãn Thị Thanh Nhàn đạt giải nhất môn Giáo dục công dân (2011), Cô Nguyễn Thị Phương Anh đạt giải nhì môn Sử (2017). Tổ Xã hội nhiều năm liền đạt danh hiệu “Tập thể lao động giỏi”.
60 năm nhìn lại chặng đường đã qua, những thành tích đã được ghi nhận trên con đường đi tới thành công, tổ Xã hội luôn đón nhận sự quan tâm của Đảng bộ, Ban giám hiệu nhà trường, sự chia sẻ, khích lệ của đồng nghiệp, sự tin cậy của Phụ huynh và học sinh. Với những nỗ lực đã đạt được, tổ Xã hội quyết tâm phát huy thế mạnh của một tập thể đoàn kết, nhiệt tình, năng động, các thầy cô góp sức trẻ nhiệt huyết yêu nghề, góp phần xây dựng ngôi trường ngày càng phát triển bền vững.
NHÓM HÓA – TRƯỜNG THPT ĐỐNG ĐA
ĐÔI ĐIỀU TÂM SỰ!
Thấm thoắt đã gần 20 năm tôi gắn bó với ngôi trường giàu truyền thống mang tên THPT Đống Đa! Đến nay, nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ phát triển, mọi kí ức trong những ngày đầu lại ùa về trong tôi! Nhớ lại lần đầu tiên đến trường tôi còn chưa biết phòng thầy hiệu trưởng. Sau này khi đã công tác tôi lại có rất nhiều kỷ niệm với người lãnh đạo đó – thầy Hiển! Thầy rất điềm đạm, ân cần thăm hỏi và biết được khó khăn riêng của tôi nên đã hết sức tạo điều kiện giúp đỡ. Thế mà giờ đây tôi đã là một trong ba người già nhất trường rồi!
Khi tôi nhận quyết định chuyển công tác về trường là đã gần cuối năm học. Nhà trường yêu cầu dạy 2 tiết để đánh giá. Thời điểm đó, bài để dạy hay không còn nhiều, tôi quyết định lựa chọn bài Cân bằng hóa học ở lớp 10, còn lớp 11 tôi dạy bài: Nguồn hidrocacbon trong thiên nhiên (vẫn học sách cũ). Tôi vẫn nhớ, sau tiết dạy chị Liên Phương tổ trưởng với phong thái nhẹ nhàng, ân cần chị nhận xét cả hai bài đều dạy tốt khiến tôi thấy gần gũi và bớt phần lo lắng về việc chuyển sang môi trường làm việc mới. Rồi tiếp đến tôi biết về chị Dung Hóa có mái tóc dài, chị Kiều rất đỗi hiền lành và chân tình. Tất cả các chị em trong tổ đều đoàn kết, giúp đỡ khiến tôi hòa nhập rất nhanh vào ngôi trường mới và không biết tự bao giờ, tôi đã coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình.
Sau 3 năm về trường tôi vinh dự tham gia lễ kỷ niệm 45 năm thành lập trường. Truyền thống của nhà trường cùng song hành với truyền thống của nhóm Hóa chúng tôi. Lúc đó tôi trẻ nhất của nhóm Hóa. Có thể nói, điều đáng tự hào nhất trong nhóm Hoá chúng tôi là gần như tất cả các con của cô giáo trong nhóm đều học rất giỏi. Các con của chị Kiều, chị Dung, chị Hồng, chị Liên Phương vv….đều học tập ở nước ngoài. Thật tự hào nhưng cũng gây cho tôi "áp lực", bản thân tôi cũng lo không biết con mình học có tốt không, nếu không thì rất xấu hổ với các chị! Rồi cũng đến lúc con gái lớn tôi thi vào đại học và cháu cũng làm mẹ không hổ danh là thành viên của nhóm Hoá của Đống Đa. Rồi thế hệ sau này các con vẫn nối tiếp truyền thống đó, các cháu vẫn ngoan, vẫn học giỏi ở những ngôi trường có tiếng như con cô Lệ Hà , cô Ngọc Thúy, Cô Minh Phương, cô Ngoan, Cô Tuyết vv… Những thành công bước đầu của các con là động lực để các bố các mẹ phấn đấu hơn và càng tự hào khi được là thành viên của nhóm Hoá.
Chín anh chị em chúng tôi trẻ nhất là Thành Đô mà hơn nửa đã có bằng thạc sĩ luôn ý thức được trách nhiệm với công việc, trau dồi chuyên môn nên mọi hoạt động phối hợp rất nhịp nhàng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, sẵn sàng dạy thay khi gia đình các thành viên có việc.
Sắp đến ngày trường tổ chức 60 năm thành lập! Với tuổi 60, nhóm Hóa chúng tôi cũng đóng góp một phần vào bề dày truyền thống của nhà trường. Rất nhiều các hoạt động các thành tích để chào mừng nhưng có lẽ việc tái hiện kí ức là không thể thiếu! Tôi cảm thấy rất tự hào khi nhìn lại chặng đường mình đã đi, đang đi và sẽ đi trong sự nghiệp trồng người của mình, tất cả đều in dấu tại trường Đống Đa. Năm 2010 tôi vinh dự nhận được Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, sự trưởng thành của các con tôi khiến tôi hiểu rằng đều là nhờ có mái trường thân yêu này.
Nhớ lắm Đống Đa!!!
Tre già măng mọc! Các anh chị đã viết lên những trang đầu tiên thì chúng tôi và các thế hệ sau sẽ viết tiếp truyền thống rạng rỡ của nhóm Hóa trường THPT Đống Đa để làm sao trong kí ức mỗi người luôn có dấu ấn đẹp về tình người, về nghề nghiệp đầy vất vả mà cũng rất vinh quang này.
Cảm xúc trào dâng nhưng không từ ngữ gì có thể diễn tả hết tình yêu của chúng tôi dành cho Đống Đa. Thật mong sớm đến ngày sinh nhật tuổi 60 để được gặp lại các thế hệ giáo viên, học sinh của trường, các chị em trong nhóm Hoá từng giảng dạy tại nơi đây để được sống lại những giây phút hạnh phúc.
Hẹn gặp lại!!!